Bước vào lớp 6, trẻ bắt đầu một môi trường học tập mới với nhiều kiến thức mới, mối quan hệ mới. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho các bậc phụ huynh một số điều cần chuẩn bị cho con học lớp 5 để trẻ sẵn sàng, tự tin vào lớp 6 nhé!

1. Nền tảng kiến thức

                Nắm chắc kiến thức nền tảng của bậc tiểu học

Ở bậc tiểu học, kiến thức hầu hết vẫn ở các dạng đơn giản nhưng khi trẻ bước vào lớp 6 thì kiến thức đã được nâng cao hơn, khối lượng  trẻ cần tiếp nhận và học cũng lớn hơn rất nhiều. Để việc học kiến thức lớp 6 dễ dàng hơn thì đương nhiên trẻ cần nắm chắc kiến thức lớp 5 bởi vì kiến thức các lớp nối tiếp, mang tính liên tục.

Kiến thức Toán lớp 5 sẽ là nền tảng để các em học tốt Toán lớp 6. Nếu các em bị hổng kiến thức lớp 5 thì khi bắt đầu bước vào bậc THCS sẽ không thể theo kịp bài giảng, từ đó ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập. Chính vì vậy cha mẹ nên đôn đốc con học thật vững kiến thức lớp 5 để con trang bị cho mình hành trang vững chắc khi bước sang môi trường học tập mới khó khăn hơn.

2. Khả năng viết nhanh

                       Rèn luyện khả năng viết nhanh để theo kịp bài cô giảng trên lớp

Nếu như ở lớp 5, các bài chính tả các em học sinh sẽ được thầy cô giáo đọc cho chép với tốc độ viết rất chậm thì lên lớp 6 các em phải học rất nhiều môn, thời gian học mỗi môn lại ngắn nên các thầy cô sẽ giảng, và đọc bài rất nhanh. Chính vì vậy để muốn theo kịp bài giảng cũng như ghi chép những kiến thức giáo viên dạy đòi hỏi học sinh cần ghi chép nhanh.

Cha mẹ có thể cho con luyện viết nhanh ở nhà bằng bút bi để con có thể theo kịp tiến độ dạy của giáo viên cấp 2 cũng như ghi chép bài đầy đủ để về có thể học tập tốt hơn, tránh việc bỏ lỡ kiến thức do việc ghi chép chậm gây ra.

3. Kỹ năng giao tiếp và hòa nhập

                                   Rèn luyện khả năng giao tiếp

Ở lớp 5 thì trẻ quen biết và chơi thân với các bạn trong lớp một cách thoải mái. Nhưng khi lên lớp 6 thì trẻ sẽ tiếp xúc với môi trường mới, gặp gỡ bạn bè, thầy cô mới. Nếu trẻ rụt rè thì rất dễ rơi vào trạng thái tâm lí cô đơn, cảm giác mọi người không yêu quý mình, ảnh hưởng rất lớn đến việc học.

Chính vì vậy cha mẹ cần rèn luyện cho con kĩ năng giao tiếp và hòa đồng với mọi người để trẻ tự tin, không bỡ ngỡ trước những cái mới. Khi có kĩ năng này, trẻ dễ dàng nói chuyện với bạn cùng lớp, hòa đồng với mọi người, hăng hái phát biểu ý kiến để xây dựng bài giảng.

4. Ý thức tự giác học tập

      Tự giác học tập là điều quan trọng khi trẻ bước vào môi trường học tập mới

Ở cấp tiểu học, học sinh được các thầy cô quan tâm và dặn dò, nhắc nhở rất nhiều về vấn đề học tập, làm bài tập ở nhà. Lên lớp 6 môi trường học tập khác hơn rất nhiều. Để học tốt đòi hỏi học sinh phải có tinh thần tự giác học tập. Thầy cô sẽ không nhắc nhở nhiều như hồi tiểu học.

Vì vậy trước khi trẻ bước vào lớp 6, trẻ cần được cha mẹ định hướng để làm quen với việc tự giác trong học tập, để con thực sự hứng khởi với việc học chứ không phải là ép buộc trẻ học theo nhu cầu của cha mẹ. Dĩ nhiên, vẫn cần có những áp lực nhất định để trẻ phát huy hết năng lực và học tập nghiêm túc. Chuẩn bị cho con việc làm quen với tự học sẽ giúp trẻ học tốt và theo kịp khối lượng kiến thức khá lớn ở lớp 6.

5. Lựa chọn phương pháp học tập hợp lý

                    Phải biết đặt mục tiêu và có phương pháp học hợp lý

Nếu như học lớp 5 ở cấp tiểu học, giáo viên thường dạy tất cả các môn vì vậy các em được quan tâm nhiều từ giáo viên (hướng dẫn trình bày…) nhưng khi lên lớp 6 giáo viên chủ nhiệm chỉ dạy một môn còn những môn khác là do các thầy cô giáo bộ môn. Học sinh phải tự thích nghi với nội quy, xây dựng cho mình phương pháp từng môn học cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất.

Có tới 7 phong cách học tập bạn có thể xác định từ đó áp dụng phương pháp phù hợp để biến việc học tập trở thành một công việc dễ dàng hơn:

  • Học qua thị giác: Bạn thích dùng tranh ảnh và có sự hiểu biết sâu sắc về không gian
  • Học qua thính giác: Bạn thích sử dụng âm thanh và âm nhạc để học
  • Học hỏi bằng lời nói: Bạn thích sử dụng ngôn từ, kể cả những bài phát biểu và bài viết
  • Học hỏi qua hoạt động thể chất: Bạn thích sử dụng cơ thể, các hoạt động thể chất
  • Học hỏi bằng logic: Bạn thích sử dụng logic, suy luận và sự hệ thống
  • Thiên hướng xã hội: Bạn thích hoạt động trong các nhóm, với người khác

Mỗi người có những ưu điểm riêng, có cách học tập hiệu quả khác nhau. Do đó bạn có thể tham khảo một số cách học dưới đây để đạt kết quả học tập tốt nhất.

  • Những người học qua thị giác: nên sử dụng màu sắc, cách bố trí, và tổ chức không gian trong khi học tập. Việc vẽ sơ đồ tư duy đặc biệt hữu ích cho nhóm này. Bạn cần highlight những điểm quan trọng, những điều quan trọng, màu sắc sẽ khiến họ nhớ những thông tin tốt hơn.
  • Những người có thiên hướng xã hội: nên cố gắng làm việc nhóm thường xuyên. Nếu ở trường, bạn nên học theo nhóm, tham gia các hoạt động có tương tác. Nếu đi làm, những công việc tập trung vào các cuộc họp và hội thảo sẽ phù hợp cho nhóm này.
  • Những người thích hoạt động thể chất: tất cả mọi thứ liên quan đến cảm giác và sự di chuyển sẽ là điều kiện tốt để họ tiếp thu kiến thức. Thẻ flashcard cũng là một lựa chọn tốt vì mặc dù đó là kỹ thuật hỗ trợ trực quan nhưng việc chạm và di chuyển các thẻ này cũng là tương tác vật lý giúp họ học tốt hơn.
  • Những người học theo âm nhạc và âm thanh: Các bản ghi âm sẽ là công cụ hữu ích để họ lĩnh hội nội dung.
  • Người học bằng lời nói: nên tập trung vào các kỹ thuật dựa vào việc nói và viết. Tương tự như học qua thính giác, những người học qua ngôn từ nên tận dụng tối đa các kỹ thuật dựa trên ngôn từ như vần điệu và nhịp điệu. Phương pháp hữu ích nhất cho phong cách học này là sử dụng từ viết tắt có sử dụng chữ cái đầu tiên của từ.

Như vậy, ngoài nền tảng kiến thức tiểu học vững chắc, các em học sinh lớp 5 cần phải bổ sung và rèn luyện nhiều kỹ năng khác để bước vào năm đầu tiên Trung học cơ sở đạt kết quả tốt nhất.

– ST Thái Sơn –