CÁCH ĐỂ CÁC SỸ TỬ HỌC GIỎI MÔN VĂN - GIA SƯ PHÚ XUÂN HẠ LONG

CÁCH ĐỂ CÁC SỸ TỬ HỌC GIỎI MÔN VĂN

Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

     

Nếu bạn đã từng là một học sinh gặp khó khăn trong môn Văn thì chắc hẳn bạn cũng phải đối mặt với những vấn đề như “Trời ơi, việc soạn văn sao mệt và chán thế?”, “Sao mình ngồi vào bàn mà chẳng biết viết chữ gì?”, “Làm sao mà có thể phân tích được một tác phẩm dài loằng ngoằng thế này?”, “Môn Văn thật khô khan và nhàm chán”,… và còn rất rất nhiều khó khăn nữa. Bạn có muốn bí kíp để học giỏi môn Văn mà không cần lăn tăn?  

Ban đầu, mình cũng tin rằng những bạn học giỏi môn Văn, chắc chắn là phải có năng khiếu, hoặc bẩm sinh đã văn chương lai láng, rồi làm thế nào để các bạn ấy viết được dài thế, nhớ được nhiều thế, điểm cao thế, chăm chỉ thế? Cho đến một ngày, mình phát hiện ra một sự thật về môn Văn.

Người giỏi là người biết một điều gì đó mà bạn chưa biết hoặc người giỏi là người biết về một điều mà bạn tưởng như đã biết nhưng chưa biết rõ về nó. Môn Văn cũng không phải là ngoại lệ. Bạn hãy thử đọc câu chuyện sau:

Mùa thu năm ấy, hoàng hậu sinh con, đó không chỉ là niềm mong mỏi của một người, mà còn là niềm ao ước của cả một gia đình, niềm hy vọng của cả một triều đại, và là sự khao khát của cả một quốc gia, rằng một quý tử sẽ ra đời. Hoàng hậu lúc trong phòng sinh, bên ngoài muôn vạn quan quân thấp thỏm, đợi chờ tin báo, hàng hàng, ngũ ngũ, kèn kèn, trống trống, cờ hoa đã sẵn sàng để chờ tin mừng. Thế nhưng lỡ hoàng hậu sinh ra con gái thì sao? Không chỉ nhà vua, mà đến cả các quan lại, binh lính, nét trăn trở hồi hộp hiện rõ trên khuôn mặt. Nắng vàng chiếu mọi góc sân, len qua cả khe cửa cung điện, ai ai cũng đang nín lặng chờ cái giờ phút ra đời của một đứa trẻ. “Oe, oe, oe…” – tiếng khóc cất lên, trăm nghìn người lặng thinh, cảm tưởng như chỉ tiếng rung khe khẽ của gió cũng có thể cảm nhận được. Hoàng hậu đã sinh con, nhưng là trai hay là gái? Vị quan đại thần bế đứa bé trên tay bước ra, dòng người hồi hộp, trước trăm ngàn ánh mắt nhìn về cùng một câu hỏi chưa lời giải đáp. Đứa bé vẫn khóc, bỗng… một dòng nước vọt ra, cong cong. Trăm ngàn người đồng thanh “Vạn tuế, vạn tuế, vạn tuế”, rung động cả sân cung đình. Niềm hạnh phúc của cả dân tộc vỡ òa khi người nối dõi của nhà vua ra đời.

Nếu như cũng vẫn câu chuyện ấy, có một phiên bản khác là những câu kể đại loại như “Mùa thu năm ấy, hoàng hậu sinh con. Triều đình ai ai cũng mong mỏi và hồi hộp. Trăm ngàn người đứng chờ bên ngoài, cuối cùng vị quan đại thần ra thông báo rằng hoàng hậu sinh con trai. Mọi người sung sướng tung hô vạn tuế vì nhà vua có người nối dõi”. Bạn thấy cách nào cảm hứng hơn? Cùng một câu chuyện nhưng hai cách diễn đạt là khác nhau hoàn toàn.

Và bài viết này, mình sẽ tập hợp lại kinh nghiệm mình học hỏi được từ thầy cô, bạn bè, những người được coi là học giỏi môn Văn. Bạn hãy nhớ, người giỏi là người biết một điều gì đó bạn chưa biết, nếu bạn chưa biết một điều gì đó người khác biết, thì đừng vội nghĩ rằng mình không giỏi.

1. Hiểu bản chất môn Văn và xây dựng sự yêu thích cho văn

Bản chất của văn không phải là việc học thuộc. Nếu bạn tin rằng văn là một mớ học thuộc nhàm chán, thì chắc chắn rằng bạn sẽ rất khó có thể cầm quyển sách văn lên tay. Bản chất môn Văn là để phát triển khả năng về ngôn từ, diễn đạt, khả năng cảm nhận, thấu hiểu, phân tích, đánh giá,  Học văn sẽ giúp bạn rèn luyện tư duy ngôn ngữ. Tác phẩm văn học, đó là sự sáng tạo nghệ thuật, do vậy nếu bạn đứng ở góc độ là một người khám phá khi học văn, mọi thứ sẽ khác. Và khi sự khám phá được tích lũy thành vốn, bạn sẽ rèn được phản xạ với môn Văn.

2. Có chiến lược học văn

Đây sẽ là phần giúp bạn gia tăng điểm số và học giỏi văn. Vì giống như đánh trận, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, bạn cũng phải có những chiến lược đối với môn Văn để giải quyết nó. Và hóa ra, có một vài mẹo rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.

3. Thói quen chuẩn bị bài

Khi mình đi chia sẻ tại các trường học, lúc mình hỏi bao nhiêu bạn rất ghét soạn văn? Có một số bạn giơ tay ào ào. Vì soạn văn rất ngại, mất thời gian. Nhưng vô tình thói quen mà có thể nhiều bạn chưa thích ấy, nó lại có ích cho bạn. Vì khi bạn soạn văn, đó là một lần bạn khám phá tác phẩm. Khi bạn lên lớp, thầy cô dạy, bạn có lần thứ hai khám phá lại nó. Lúc làm bài kiểm tra, đề vào bài đó, bạn có lần thứ ba, và đi thi, đó là lần thứ tư. Những học sinh giỏi đa phần là được  luyện rất nhiều, vì thế mà họ rất nhớ, cũng như càng luyện nhiều viết lại càng hay. Còn những học sinh soạn văn qua loa, thậm chí là chép để học tốt cho có đủ bài, thì khi đó họ chưa tìm hiểu đủ sâu về tác phẩm. Việc nghe giảng trên lớp sẽ không hiệu quả cao nhất. Như thế lúc làm bài kiểm tra, sẽ khó mà đạt kết quả tốt nhất.

Thói quen chuẩn bị là một thói quen quan trọng. Mình rất tâm đắc với một câu nói như này “Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”, mình nhớ ngày học cấp II, có một mẹo chuẩn bị rất đơn giản như sau. Đó là ngay từ đầu năm mua sách văn, mình đã dành ra 1 tuần đầu để đọc hết tất cả tác phẩm văn, thơ có trong sách. Mình nhớ năm lớp 9, ngay từ đầu hè, mình đã học thuộc hết các tác phẩm thơ của Truyện Kiều. Lên cấp III, vẫn thói quen đó, từ hè lớp 10 mình đã đọc hết các tác phẩm văn thơ của cả 3 năm gói gọn trong 6 cuốn sách giáo khoa văn. Để học giỏi môn văn thì điều đầu tiên là phải nắm được kiến thức cơ bản đã, đó chính là thuộc thơ, tóm tắt được truyện, nắm được nội dung cơ bản của tác phẩm. Nhiều bạn không biết viết gì khi làm đề là vì không nắm được kiến thức cơ bản. Do vậy chỉ cần dành ra 15-20 phút để soạn văn cũng là một bí mật không tưởng khiến bạn giỏi văn đấy.

 Nắm được cấu trúc viết văn

Nhiều bạn nghĩ rằng viết văn thì chỉ cần có nhiều chữ là viết được, thật ra không phải. Viết văn rất cần nắm cấu trúc và phải viết có logic. Những học sinh giỏi văn là những học sinh bài viết có cấu trúc, lập luận, logic chặt chẽ. Chắc hẳn bạn đã từng thấy một lỗi phổ biến của học sinh bị thầy cô phê như “Bài viết lủng củng, diễn đạt chưa rõ ràng”, đó chính là vì bạn ấy chưa nắm được cấu trúc viết văn đó.

Trong chương trình học văn từ lớp 6 đến lớp 12, có hai mảng chủ đề thâu tóm và xuyên suốt, rất nổi bật đó là phân tích tác phẩm văn học (có thể là tác phẩm thơ, tác phẩm truyện, hoặc tác phẩm văn học khác) và văn nghị luận (nghị luận xã hội, văn nghị luận chứng minh, giải thích). Và thời mình đi học thì 2 loại này thường chiếm 80{c32eae629e9f22e22eb64f9b1e60648d7863bf0dccb189844cc3c368064b7ee1} điểm số của đề thi, và cả hai loại này đều có cấu trúc.

Chẳng hạn, đối với văn phân tích tác phẩm văn học, đề bài có thể hỏi rất nhiều cách hỏi: phân tích tác phẩm, phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật, cảm nhận chi tiết truyện, cảm nhận khổ thơ, câu thơ, bài thơ,… cách hỏi thì nhiều nhưng thực ra chung quy lại chỉ cần nắm vững nội dung tác phẩm là làm được. Sau đó là biết cấu trúc viết. Cấu trúc viết thông thường sẽ như sau: Mở – Thân – Kết, còn cấu trúc của những bài văn hay sẽ có thêm hai phần:

I. Phần đánh giá chung: Nêu những chi tiết hay liên quan đến tác giả, tác phẩm, hoặc cột mốc lịch sử, ý nghĩa lịch sử, khái quát nội dung nghệ thuật. Phần này kẹp giữa sau phần mở, trước khi đi vào chi tiết của phần thân bài.

II. Phần liên hệ: Liên hệ tác giả, tác phẩm, bối cảnh, trích dẫn tác giả khác nói về chủ đề ấy, trích dẫn tác giả ấy nói về chủ đề khác để thấy được góc nhìn toàn diện của tác phẩm đang phân tích. Như vậy một bài phân tích hay đều phải đảm bảo chặt cấu trúc 5 phần đó.  

 Mở bài -> Đánh giá chung -> Phân tích chi tiết -> Bình luận, liên hệ -> Kết bài.

Đi sâu vào hơn, lại thấy ở mỗi phần, học sinh giỏi họ đều phải học cách viết khác biệt. Viết sao cho ấn tượng, thu hút. Mở bài và kết bài phải viết hay, tuyệt đối không được viết theo cách thông thường. Phần phân tích chi tiết, bạn cũng cần nắm được nội dung phân tích sao cho sâu sắc. Phần bình luận, liên hệ bạn cũng phải tạo ra được sự khác biệt, có nhiều liên hệ rộng và hay.

Tóm lại, bạn thấy đó, viết một bài văn phân tích cũng giống như bạn xếp đội hình bóng đá. Đội hình bóng đá bạn phải có thủ môn, hậu vệ, trung vệ, tiền vệ, hộ công, tiền đạo,.. Người viết văn theo cấu trúc là họ có đủ cấu trúc, chứ không hẳn là họ nhiều chữ. Giống như bạn xếp đội hình, bạn thiếu đi những vị trí như tiền vệ, hộ công,… thì đội bóng của bạn làm sao mà chắc chắn được. Điều kiện tiên quyết để đội bóng bạn ra sân là phải đủ vị trí.

Tiếp tục đến mảng thứ hai là tác phẩm nghị luận. Thông thường bài nghị luận sẽ ngắn hơn, nhưng cấu trúc chặt sẽ là:

Mở bài -> Giải thích vấn đề -> Phân tích, chứng minh vấn đề -> Bàn luận lật ngược vấn đề -> Kết bài.

Phần giải thích vấn đề: Bạn phải giải thích rõ về đề bài, quan điểm đó là như nào, giải thích hiện tượng, từ ngữ cụ thể.

Phần bàn luận, lật ngược vấn đề: Bạn đưa ra cả những góc nhìn khách quan, những góc nhìn khác về vấn đề.

Thói quen nhỏ, kết quả to

Ở phần này, mình sẽ chia sẻ những cách để nâng cao khả năng viết lách tốt cho những phần chi tiết mà mình nói ở trên. Việc đầu tiên là bạn sơ đồ hóa nội dung tác phẩm, để đảm bảo rằng bạn có thể nói được nội dung tác phẩm ấy trong vài câu. Bạn có thể vẽ sơ đồ, ghi chú từ khóa để nắm được nội dung lõi của bài, đó là thói quen đầu tiên. Vì làm thế bạn sẽ không bị lạc đề, và hiểu được gốc tác phẩm.

Thứ hai là vấn đề viết mở bài và kết luận sao cho hay và hấp dẫn. Một thói quen là bạn đọc sách tham khảo, hoặc mượn bài viết của những bạn học giỏi môn Văn. Ngày lớp 9, mình mượn bài kiểm tra điểm cao của các bạn nữ trong đội tuyển, sau đó đi photo, và đọc. Từ đó học được rất nhiều cách làm hay, bắt đầu vấn đề ra sao, mở bài kết bài thế nào cho hấp dẫn. Thông thường bao giờ mình cũng sẽ nghĩ một cái mở bài rất lạ và độc đáo, chứ không bao giờ viết theo truyền thống.

Chẳng hạn các tác phẩm thơ sẽ có chủ đề về người lính bộ đội, năm lớp 9 bạn sẽ được học Đồng chí của Chính Hữu, lên 12 bạn học Tây Tiến của Quang Dũng. Người lính của Đồng Chí là người lính nông dân chân chất, còn người lính của Tây Tiến là những chàng trai thanh niên Thủ đô ra trận cứu nước. Bạn hoàn toàn có thể viết mở bài dựa vào sự liên kết của hai tác phẩm để người đọc có thể thấy ấn tượng. Chẳng hạn như “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Hai câu thơ nói về người con gái Thủ đô, mang đậm cá tính và dấu ấn riêng trong nét đẹp tâm hồn. Viết về những cô gái, người đọc cững sẽ nghĩ đến những chàng trai. Những chàng thanh niên của Thủ đô Hà Nội, họ cũng mang trong mình những nét đẹp, cá tính riêng, đậm chất sâu sắc, và đặc biệt lại là những chàng trai trong chiến đấu. Nếu như nhắc đến Đồng Chí, người ta biết ngay đến hình ảnh người lính xuất thân là những người nông dân chân chất, mang cái vẻ đẹp chất phác, khỏe khoắn thì đến với Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng lại thêu dệt lên một bức tranh vô cùng độc đáo về những người lính trí thức – những chàng trai Thủ đô khi họ ra trận….” Nếu như bạn chỉ cần đầu tư chút thời gian, mình tin chắc bạn hoàn toàn có thể có những mở bài và kết luận hết sức sinh động.

Vấn đề thứ ba là các phần liên hệ, bình luận. Phần này bạn phải đọc nhiều. Một người viết tốt, cũng phải là người đọc nhiều. Trong quá trình đọc, bạn tiếp nhận tư tưởng quan điểm hay, bạn học được nhiều ý tưởng phân tích sâu sắc. Đọc nhiều sách tham khảo, và với mảng nghị luận xã hội bạn cũng cần đọc nhiều kiến thức xã hội. Nói chung đọc tác phẩm, thậm chí là các tác phẩm kinh điển như truyện ngắn, tiểu thuyết sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc xây dựng vốn kiến thức văn. Chẳng hạn nếu làm đến các bài thơ liên quan đến thơ mới, việc đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân sẽ giúp bạn rất rất nhiều.

Một vài mẹo nhỏ khác

⇒ Viết nhiều

Việc viết nhiều sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng diễn đạt ngôn từ, diễn đạt lưu loát, trôi trảy, vì thế mà bạn hành văn sẽ súc tích, cô đọng. Do vậy thói quen viết nhật kí cũng là một thói quen tốt để bạn rèn khả năng viết lách, hãy viết nhật kí về ngày của bạn, về thành công của bạn, về kỉ niệm của bạn. Hãy nhớ bạn viết nhiều rồi bạn sẽ viết giỏi. Ngoài viết nhật kí, bạn có thể học cách sáng tác truyện, viết truyện, thậm chí viết blog cá nhân. Việc viết nhiều sẽ giúp bạn rèn được một kĩ năng rất quan trọng không chỉ để giỏi văn, đó là kĩ năng viết. 

⇒Tập viết chữ đẹp

Mình không chắc là chữ đẹp giúp bạn nâng cao điểm số. Nhưng hình như viết chữ đẹp, bài viết không gạch xóa lại gây ra được thiện cảm rất nhiều với thầy cô khi chấm. Việc này hoàn toàn luyện tập được, chỉ cần bạn kiên trì. Bạn hoàn toàn có thể luyện tập đến mức viết 6-8 trang giấy thi môn Văn, không có một lỗi chính tả. Và luyện viết chữ đẹp cũng làm chữ bạn viết nhanh mà không xấu bằng việc tập viết trên vở kẻ ô li. Chữ đẹp cũng ảnh hưởng bởi ngòi và mực. Chữ bạn nếu rất xấu, khi mới luyện hãy viết mực xanh, khi đẹp rồi, hãy viết mực đen vì mực đen mà sạch đẹp thì nhìn rất rất đẹp. Bạn cũng đừng nên viết bút bi, mà nên dùng bút bi nước, hoặc viết bút mực, đặc biệt là ngòi to, vì chữ bạn nhìn sẽ sạch sẽ và gọn gàng hơn nhiều.

⇒ Comment trên các forum, diễn đàn

Cách này có thể giúp bạn biểu lộ quan điểm hoặc rèn khả năng diễn đạt.

⇒ Đọc các tác phẩm lớn

Duy trì thói quen này sẽ giúp bạn có được vốn rất mạnh về văn học và cuộc sống

⇒ Xem lại bài kiểm tra

Khi nhận được bài kiểm tra, hãy xem lại vì sao bài mình được kết quả như thế, thậm chí là viết lại dựa trên những phân tích, góp ý của thầy cô. Trên đây là những chiến lược giúp bạn học giỏi môn văn, và điều quan trọng là hãy bắt tay vào hành động. Nếu gặp bất cứ khó khăn gì, hãy comment bên dưới, nếu có chia sẻ gì, bạn hãy để lại để chúng ta có thể làm chủ được môn Văn.

  Xin liên hệ ngay:
0203 819 882
 0983 128 599 0906 192 399
Địa chỉ : Số nhà 277- Ngõ 5– đường Bãi Muối – phường Cao Thắng – Tp. Hạ Long – Tỉnh Quảng Ninh ( sau Trường Tiểu Học Cao thắng đi vào 400m).
Email: ttgsphuxuan@gmail.com

https://www.facebook.com/giasuphuxuanquangninh

– ST Thái Sơn –

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

1 comments for "CÁCH ĐỂ CÁC SỸ TỬ HỌC GIỎI MÔN VĂN"

  1. Hùng
    Tháng Sáu 20, 2020 at 12:23 chiều

    Nội dung hay

Để lại bình luận

Scroll
0983128599
Power by

Download Free AZ | Free Wordpress Themes