Đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh THCS, THPT 2020
Từ ngày 11-10-2020, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước sẽ điều chỉnh quy định đánh giá, xếp loại học sinh. Điểm mới đáng chú ý là tất cả các môn học đều được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số, thay vì bằng điểm số như hiện hành.
Thông tin đáng chú ý trong những ngày qua, đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12-12-2011, trong đó có những điều chỉnh khá mạnh mẽ.
Đánh giá học sinh không chỉ bằng điểm số
Một trong những điểm mới của thông tư là tổng số đầu điểm kiểm tra, đánh giá với học sinh giảm. Trong mỗi học kỳ, ở mỗi môn học, học sinh chỉ có một bài kiểm tra giữa học kỳ và một bài kiểm tra cuối học kỳ, không còn phải làm bài kiểm tra 1 tiết. Tuy nhiên, nếu hiểu rằng bỏ hẳn bài kiểm tra một tiết là cách hiểu không đúng.
Hiện nay, với môn có số lượng tiết nhiều nhất là toán, ngữ văn thì học sinh có 3 bài kiểm tra 1 tiết/học kỳ. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng đa dạng hơn. Nếu như trước đây, học sinh được kiểm tra qua việc hỏi – đáp, viết, thì với quy định mới, việc kiểm tra, đánh giá có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến với các hình thức như hỏi – đáp, viết, thực hành, dự án học tập, thuyết trình, sản phẩm học tập… Bài kiểm tra viết trong đánh giá thường xuyên có thể 15 phút, 30 phút và 45 phút. Điểm khác biệt nữa là bên cạnh hình thức viết trên giấy, bài kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ có thể được thực hiện trên máy tính.
Số bài kiểm tra định kỳ giảm, hình thức kiểm tra đa dạng hơn. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể áp lực về điểm số, khích lệ học sinh tiến bộ, tăng năng lực ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Thông tư còn quy định hình thức khen thưởng với học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện. Đây là điểm tích cực, làm thay đổi cách nhìn nhận về kiểm tra, đánh giá theo hướng động viên, khích lệ sự cố gắng của từng học sinh.
Đề kiểm tra không còn “dấu ấn” giáo viên
Hiện nay, có hiện tượng ngay trong một trường, do giáo viên tự ra đề kiểm tra nên mức độ khó dễ của đề chênh lệch giữa mỗi lớp. Việc kiểm tra dẫn đến tình huống học sinh đạt điểm 10 của lớp này nhưng năng lực học tập lại không tốt bằng học sinh đạt điểm 8 của lớp khác, do không cùng thước đo.
Thông tư 26 giải quyết tình trạng này khi thực hiện theo cách đánh giá mới, các bài kiểm tra định kỳ phải tuân thủ quy định chung. Đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình.
Như vậy thì việc đối sánh kết quả giữa các địa phương, giữa từng lớp, từng học sinh mới phản ánh đúng thực chất và khi đó việc các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh bằng học bạ sẽ yên tâm hơn.
“Việc xây dựng bài kiểm tra như trên giúp tránh những tiêu cực như ép học sinh học thêm chỉ vì giáo viên đó ra đề. Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn sâu cho giáo viên cốt cán xây dựng đề kiểm tra theo hướng ma trận, đặc tả. Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chung về cách ra đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả, kèm đề minh họa để gửi các sở GD&ĐT”, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nói.
Ông Sái Công Hồng cũng cho biết theo tinh thần chỉ đạo của bộ trưởng, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2025 để các địa phương chuẩn bị.
– ST Thái Sơn –