Ngày 21/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu ở các nhà trường.
Bên cạnh việc ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, ngành Giáo dục cũng đã và đang tổ chức tập huấn về ma trận, cấu trúc đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng mới, đặc biệt là những lớp đã và đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, đề Ngữ văn nhiều năm qua chỉ có một hình thức là tự luận, từ năm học 2022-2023 tới đây sẽ có nhiều lớp bắt đầu thực hiện hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan. Điều đặc biệt là phần viết (làm văn) chỉ còn 4,0 điểm và phần đọc hiểu đã nâng lên 6,0 điểm/ thang điểm 10,0.
Môn Ngữ văn sẽ được kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan |
Thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong năm học 2022-2023 ra sao?
Theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2022-2023 tới đây sẽ đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn theo một hướng hoàn toàn khác so với trước đây.
Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.
Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật”. [1]
Và, những ngày hè vừa qua, giáo viên Ngữ văn chúng tôi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn ma trận đề kiểm tra theo hướng đổi mới và hướng tới việc không lệ thuộc vào ngữ liệu sách giáo khoa, cũng như văn mẫu lâu nay.
Nếu như những năm học trước đây, cấu trúc đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn thường có cấu trúc điểm 4 (đọc hiểu)- 6 (làm văn) hoặc 3-7 thì cấu trúc điểm cho năm học tới đây sẽ là 6 (đọc hiểu)- 4 (viết). Cả bài văn sẽ được thực hiện theo tỉ lệ phần trăm: 4 (nhận biết) -3 (thông hiểu) -2 (vận dụng thấp) -1 (vận dụng cao) của thang điểm 10,0.
Đặc biệt, đề kiểm tra môn Ngữ văn từ năm học tới đây sẽ được kết hợp với hình thức trắc nghiệm khách quan.
Theo đó, phần đọc hiểu sẽ có nhiều câu hỏi trắc nghiệm nhằm kiểm tra phần nhận biết, thông hiểu và có thêm 2 câu hỏi tự luận ở phần thông hiểu và vận dụng thấp.
Phần “làm văn” trước đây, bây giờ được gọi là phần “viết” sẽ là một bài văn hoàn chỉnh có thang điểm 4,0/ 10 điểm. Bài viết này, học sinh sẽ viết một bài văn trọn vẹn, tương ứng với thể loại, phương thức biểu đạt của phần kiến thức mà học sinh học ở chương trình và sách giáo khoa trên lớp chính khóa.
Tuy nhiên, hình thức ra đề môn Ngữ văn kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan được nhấn mạnh là sẽ bắt đầu từ những lớp thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông và áp dụng từ năm học 2022-2023.
Những lớp đang thực hiện chương trình 2006 thì vẫn áp dụng cấu trúc, ma trận đề Ngữ văn như những năm trước đây. Vì thế, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm tới có lẽ vẫn thực hiện bằng hình thức tự luận hoàn toàn như trước đây.
Những ưu điểm, hạn chế trong việc kiểm tra môn Ngữ văn kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan
Những năm học vừa qua, chỉ có môn Ngữ văn là thực hiện hình thức tự luận hoàn toàn trong kiểm tra, thi cử, còn tất cả các môn học khác đã thực hiện bằng hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan hoàn toàn. Các trường đại học khi kiểm tra đánh giá năng lực cũng chủ yếu thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm khách quan.
Việc chuyển hình thức tự luận hoàn toàn sang kết hợp tự luận với trắc nghiệm khách quan là một điểm mới đối với dạy và học môn Ngữ văn ở các bậc học phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, nhiều năm nay đã có ý kiến về vấn đề này. Có người cho rằng đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn nên đồng nhất với các môn học khác bằng hình thức kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm khách quan.
Song, cũng có ý kiến cho rằng môn Ngữ văn mà kiểm tra, thi cử bằng hình thức trắc nghiệm sẽ mất đi đặc trưng môn học vì học sinh sẽ mất dần chất văn. Bởi lẽ, quan niệm làm văn thì phải viết, phải cảm thụ tác phẩm văn học, phải sáng tạo, tìm tòi cái hay, cái mới…
Vậy, giữa tự luận và trắc nghiệm sẽ có những ưu điểm, hạn chế gì khi ngành giáo dục thay đổi hình thức kiểm tra môn Ngữ văn từ tự luận hoàn toàn sang kết hợp với trắc nghiệm khách quan? Chúng tôi đưa ra bảng so sánh để làm rõ vấn đề này.
Bảng so sánh giữa trắc nghiệm khách quan với tự luận trong tài liệu tập huấn giáo viên
Trắc nghiệm khách quan | Tự luận |
Chấm bài nhanh, chính xác và khách quan. | Chấm bài mất nhiều thời gian, khó chính xác và khách quan |
Có thể sử dụng các phương tiện hiện đại trong chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra. | Không thể sử dụng các phương tiện hiện đại trong chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra. Cách chấm bài duy nhất là giáo viên phải đọc bài làm của học sinh. |
Có thể tiến hành kiểm tra đánh giá trên diện rộng trong một khoảng thời gian ngắn. | Mất nhiều thời gian để tiến hành kiểm tra trên diện rộng |
Biên soạn khó, tốn nhiều thời gian, thậm chí sử dụng các phần mềm để trộn đề. | Biên soạn không khó khăn và tốn ít thời gian. |
Bài kiểm tra có rất nhiều câu hỏi nên có thể kiểm tra được một cách hệ thống và toàn diện kiến thức và kĩ năng của học sinh, tránh được tình trạng học tủ, dạy tủ. | Bài kiểm tra chỉ có một số rất hạn chế câu hỏi ở một số phần, số chương nhất định nên chỉ có thể kiểm tra được một phần nhỏ kiến thức và kĩ năng của học sinh, dễ gây ra tình trạng học tủ, dạy tủ. |
Tạo điều kiện để học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình một cách chính xác. | Học sinh khó có thể tự đánh giá chính xác bài kiểm tra của mình. |
Không hoặc rất khó đánh giá được khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ và quá trình tư duy của học sinh để đi đến câu trả lời. | Có thể đánh giá được khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ và quá trình tư duy của học sinh để đi đến câu trả lời. Thể hiện ở bài làm của học sinh |
Không góp phần rèn luyện cho học sinh khả năng trình bày, diễn đạt ý kiến của mình. Học sinh khi làm bài chỉ có thể chọn câu trả lời đúng có sẵn. | Góp phần rèn luyện cho học sinh khả năng trình bày, diễn đạt ý kiến của mình.. |
Sự phân phối điểm trải trên một phổ rất rộng nên có thể phân biệt được rõ ràng các trình độ của học sinh. | Sự phân phối điểm trải trên một phổ hẹp nên khó có thể phân biệt được rõ ràng trình độ của học sinh. |
Chỉ giới hạn sự suy nghĩ của học sinh trong một phạm vi xác định, do đó hạn chế việc đánh giá khả năng sáng tạo của học sinh. | Học sinh có điều kiện bộc lộ khả năng sáng tạo của mình một cách không hạn chế, do đó có điều kiện để đánh giá đầy đủ khă năng sáng tạo của học sinh. |
Thực tế, khoảng chục năm về trước, ngành giáo dục cũng đã thực hiện kiểm tra môn Ngữ văn bằng hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan, sau đó lại chuyển sang tự luận hoàn toàn.
Việc chuyển hướng từ năm học 2022-2023 tới đây sẽ trở lại hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan là nhằm thực hiện việc đổi mới dạy và học môn Ngữ văn ở các nhà trường phổ thông hiện nay.
Hy vọng, với việc thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn thì môn Văn sẽ tạo được một vị thế xứng đáng đúng với bản chất, vai trò của môn học này ở trường phổ thông.
Từ đó, giúp cho học sinh yêu thích, say mê chứ không phải là môn học được mớm ý, mớm bài và thị trường văn mẫu, các lớp học thêm luôn rộn ràng như hàng chục năm qua.
-ST Thái Sơn-