Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.
MỐI QUAN HỆ CỦA( TÁC PHẨM – NHÀ VĂN – BẠN ĐỌC)
- Nhà văn và tác phẩm Tác phẩm văn học lấy ngôn từ nghệ thuật làm chất liệu và hình tượng nghệ thuật làm phương tiện phản ánh thế giới. Thông qua đó, nhà văn thể hiện tư tưởng, tình cảm và những triết lý nhân sinh của mình. “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.” (Nguyễn Đình Thi) Thước đo giá trị của một tác phẩm văn học là ở sự chân thực, sâu sắc trong phản ánh đời sống với những quy luật khách quan và thế giới nội tâm của con người. Tác phẩm là phương tiện để nhà văn thực hiện thiên chức của mình, hoàn thành chức năng cao đẹp: phản ánh hiện thực cuộc sống. Không có tác phẩm thì không có cái gọi là nhà văn, nhà thơ. Không có tác phẩm thì nhà văn không khác gì người họa sĩ không có bút, nhà quay phim hành nghề không có máy quay… Tác phẩm chính là cái cuối cùng, là cái túi chứa đựng mọi cảm xúc, khát khao, suy cảm của nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Có những đêm mắt không ngủ và lòng rực sáng, tâm hồn nhà nghệ sĩ dồn chứa những rung cảm mãnh liệt dẫn tới một nhu cầu: viết, viết và phải viết. Thậm chí có nhà nghệ sĩ cảm thấy nếu không được viết thì có thể phát điên, có thể chết hay tồn tại mà như đã chết nếu không được viết, không được thai nghén những tác phẩm. Cái làm nên tên tuổi, thể hiện cái Tôi phong phú, làm cho những nhà văn nhà thơ cảm thấy sự sống của mình thực sự có ý nghĩa, chứ không phải một sự tồn tại mờ nhạt- đó chính là thai nghén ra được các tác phẩm có giá trị. Qua những đứa con tinh thần này, người nghệ sĩ khẳng định được cá tính riêng của mình cũng là để khẳng định sự tồn tại của cá nhân. Có những tác phẩm đã thật sự giúp người nghệ sĩ – con người vượt lên khỏi ranh giới của sự lãng quên, của cái chết mà hướng tới một sự tồn tại vĩnh hằng. Đó là khi người nghệ sĩ sáng tác được những tác phẩm có giá trị cao. “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”. (Nguyễn Khải)
- Tác phẩm và người đọc Bạn đọc là người đánh giá tác phẩm và đồng sáng tạo với tác giả. Nếu tác giả tồn tại nhờ tác phẩm thì người đọc chính là người cấp “chứng minh thư” cho tác phẩm để tác phẩm và tác giả trở nên bất tử với cuộc đời. Bởi vậy, khi tiếp nhận một tác phẩm, người đọc chỉ hứng thú khi tác phẩm đó thể hiện được cách nhìn mới, tô đậm được nét tính cách độc đáo của nhà văn trong đó. Những cái nhìn giống nhau, cách cảm nhận tương tự nhau sẽ bị người đọc quên lãng, đào thải. Như vậy, để có được những tác phẩm có giá trị lay động được tới trái tim bạn đọc thì cần có một trái tim nóng bỏng, một tâm hồn nhạy cảm tinh tế; những gì viết ra cần phải xuất phát từ tình cảm chân thật sâu sắc. Muốn vậy trái tim người nghệ sĩ phải để ở giữa cuộc đời và vì cuộc đời. Độc giả khi thẩm bình và hưởng thụ cái Đẹp của một tác phẩm văn học nói chung không nên nhìn vào kết cấu đồ sộ, dung lượng hoành tráng của câu từ để vội vàng đánh giá mà phải đi sâu tìm ra được cái mạch nguồn cảm xúc dạt dào mà sâu kín của thi nhân, nắm được cái hạt ngọc mà người nghệ sĩ thai nghén gửi gắm. Có như thế mới có thể bước vào địa hạt của cái Đẹp.
-st-
Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.